Cuộc đời của Đức Phật là một bản trường ca bất tận về sự từ bi một lòng mong muốn cứu độ chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ. Theo như sử sách ghi lại, cuộc đời Đức Phật chịu muôn vàn đau khổ, hành trình tu tập gặp nhiều gian nan, vất vả nhưng Ngài chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Do đó, cuộc đời của Ngài đã được dựng thành phim, lưu truyền kinh sách để các Phật tử học tập, noi theo.
Cuộc đời của Đức Phật – giai đoạn giáng sanh cho tới lúc thành đạo
Cuộc đời Đức Phật Thích Ca được dựng thành phim và ghi vào kinh sách
Cũng giống như các tôn giáo khác. Vị trí của Đức Phật vô cùng quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn tới chúng sinh và là tấm gương sáng để các tín đồ tôn kính. Mỗi một cử chỉ, hành động, lời nói và sự im lặng của Ngài luôn có sự ẩn chứa sâu sắc, đồng thời cũng là bài học quý báu rất đáng trân trọng. Tất cả đều mang hàm ý thâm thúy, nếu được áp dụng vào đời sống của chúng ta đúng cách sẽ sớm giác ngộ và tìm ra chân lý soi sáng cho bản thân mình. Tuy nhiên, nếu như học theo giáo lý của Đức Phật, mỗi người cần phải hiểu rõ về cuộc đời Ngài, nhất là giai đoạn từ lúc giáng sinh cho tới khi trở thành đạo.
Giáng sanh
Trong giới nhà Phật, khi nhắc đến sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca trên cõi đời này sẽ thường dùng từ “đản sanh” hoặc “giáng sanh”. Hai từ này đều có nghĩa là sự ra đời trong niềm hân hoan, vui vẻ. “Thị hiện” là từ chỉ người sinh ra bằng xương bằng thịt để con mắt trần chúng ta thấy rõ. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu sắc của những từ đó vẫn là:
- “Đản sanh” là từ dùng để ca ngợi 1 bậc tôn quý ra đời.
- “Thị hiện” là hàm ý chỉ sự rõ ràng và thường được dùng cho Phật và Bồ Tát.
- “Giáng sanh” mang hàm ý chỉ Đức Phật ở một cảnh giới cao được hạ xuống nơi phàm trần.
Đối với người phàm trần khi sinh ra sẽ thường được gọi là “đầu thai”. Với hàm ý là bị nghiệp báo, bắt buộc phải luân hồi để chịu quả báo lành, dữ do nghiệp của mình. Thế nhưng, “giáng sanh” hay “thị hiện” không mang hàm nghĩa bị nghiệp nhân câu thúc mà là ở lòng từ bi muốn tạo lợi ích cho chúng sinh nên đã tự nguyện ứng thân mình xuất hiện sinh ra trong một thời gian.
Sự ra đời của Đức Phật Thích Ca là để cứu độ chúng sinh
Hoàn cảnh và gia thế của Đức Phật
Đức Phật vốn giáng sanh ở xứ Trung Ấn Độ, ngày nay là Nepal – một nước ở ven sườn dãy núi Hy Mã Lạp Sơn. Là một dãy núi cao nhất thế giới, phong cảnh nơi ấy vô cùng tuyệt đẹp. Mùa Xuân hoa nở rực rỡ, dân cư rất là thuần lương, cuộc sống yên bình, thịnh vượng.
Thời ấy Tịnh Phạn là vị vua thuộc dòng Thích Ca – một dòng họ lớn nhiều đời trị vì đất nước. Hoàng hậu Ma Da là người thuộc dòng vua chúa lâu đời. Cả hai đều đã trải qua nhiều kiếp tu hành, có đức hạnh lớn và xứng đáng làm bậc cha mẹ của cả muôn dân.
Vào ngày lễ vía, hoàng hậu Ma Da sau khi dâng hương hoa cúng kiến, bố thí thức ăn đã nằm mộng thấy con Voi trắng 6 Ngà từ trên hư không khai hông bên hữu của bà mà chun vào. Thấy chuyện lạ đời, bà kể với vua Tịnh Phạn. Ông rất mừng rỡ cho mời các thầy đoán mộng và được biết rằng sau này hoàng hậu sẽ sinh quý tử tài đức vẹn toàn.
Ngày đản sanh Thái tử, cảnh vật trong thành Ca Tỳ La Vệ vui vẻ lạ thường. Khí hậu mát mẻ, cây cỏ đơm trái, sông/ngòi/mương/giếng nước trong đầy. Trên hư không chim chóc, hào quang sáng cả 10 phương. Vua Tịnh Phạn vui mừng khôn xiết, ông cho mời các vị tiên tri tới xem tướng mệnh Thái tử ra đời.
Trong số các vị tiên tri có đạo sĩ tên A Tư Đà đã tu ở núi Hy Mã Lạp. Ông tiên đoán Thái tử có 32 tướng tốt xuất hiện, nên sẽ trở thành một vị Thánh thần. Vì muốn con trai nối nghiệp của mình nên khi nghe vậy vua Tịnh Phạn đã đặt tên cho Thái tử là Tất Đạt Đa (Siddhartha). Dịch ra trong tiếng Phạn sẽ là “người giữ chức vị cần phải giữ” nghĩa là ông muốn Thái tử kế nhiệm ngôi Vua.
Về phía hoàng hậu Ma Da sau khi sinh Thái tử được 7 ngày, bà rất vui mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ cao quý và rửa sạch nghiệp báo, trút xác phàm và sanh về cõi Trời Đao Lợi. Kể từ đó, Thái tử sẽ do em gái của hoàng hậu là Ma Ha Ba Xà Ba Ðề nuôi dưỡng.
Tài năng và đức hạnh của Thái tử
Với diện mạo khôi ngô tuấn tú, tài năng của Thái tử ngày càng phát triển. Ngài có một sức khỏe hơn người, thông minh xuất chúng, văn võ song toàn. Tất cả các thầy nổi tiếng đệ nhất thời ấy đều hết lòng khen ngợi, khuất phục.
Sống trong địa vị cao sang, quyền quý có nhiều tài năng nhưng Thái tử chưa hề thể hiện kiêu ngạo, khinh người. Ngược lại, Ngài rất ôn hòa, vô tư, bình đẳng và có tấm lòng thương xót, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn. Chính vì lẽ đó đã có rất nhiều người yêu quý, kính trọng Ngài.
Có ý nghĩa xuất gia
Thái tử luôn có ý định xuất gia để cứu giúp chúng sinh
Nghĩ lại lời tiên đoán của vị đạo sĩ, Vua Tịnh Phạn vô cùng lo lắng khi thấy Thái tử có những suy nghĩ xa xăm. Chính vì sợ Thái tử sẽ xuất gia tìm đạo, Vua Tịnh Phạn đã bí mật cho quân thần xây 3 tòa lâu đài nguy nga tráng lệ. Ngoài ra, ông còn làm lễ thành hôn cho Thái tử với một công chúa con Vua Thiện Giác là Da Du Ða La. Nàng là một người vô cùng tuyệt đẹp và có đức hạnh rất tốt. Vì bị bắt buộc thành gia lập thất nên Thái tử cảm thấy không vui, trong lòng nặng trĩu và mang nhiều nỗi u sầu.
Mặc dù sống trong danh vọng, lâu đài cung điện, đàn hát, cung tần mỹ nữ, vợ đẹp con ngoan. Nhưng Thái tử thấy cảnh sống mà người đời cho là hạnh phúc không thực sự chân thật. Tất cả đều thể hiện sự mê muội, khiến kiếp sống con người càng trở nên nặng nề, đau khổ và Ngài muốn tìm đến một cuộc sống có ý nghĩa cao đẹp hơn.
Nhận ra 4 tướng khổ ở đời
Nhân ngày lễ Hạ điền, Thái tử cùng Vua cha ra đồng xem dân chúng làm ruộng. Cảnh Xuân nhìn qua trông thật đẹp mắt, hoa lá tốt tươi, chim muông hót ca, bầu trời quang đãng, gió thổi phơi phới. Tưởng chừng đó là cảnh tượng thái bình, an lạc nhưng tâm hồn Thái tử trở nên hời hợt. Khi càng nhìn sâu vào trong cảnh vật, Thái tử cảm thấy đau đớn và nhận ra rằng cõi đời không đẹp và an vui như đã nhìn qua.
Khi thấy người nông phu và trâu bò làm việc cực nhọc dưới ánh nắng chói chang chỉ để đổi lấy bát cơm, nắm cỏ. Chim chóc tranh nhau ăn tươi, nuốt sống côn trùng đang giãy giụa trên những luống đất mới xới. Trong bụi rậm, người thợ săn bắn những con chim đang hót. Xa xa là bọn Hổ, Báo rình rập để ăn thịt người thợ săn. Tất cả đều là những cảnh tượng vô cùng tang thương, chỉ vì miếng ăn mà con người và vật đều phải dùng mọi thủ đoạn giết hại lẫn nhau không biết ghê sợ.
Hôm sau, Thái tử đi dạo ở 4 cửa thành, trực tiếp chứng kiến những cảnh bi thương, khổ sở. Ở cửa Đông, Thái tử gặp 1 ông già tai điếc, mắt mờ, răng rụng, tóc đã bạc phơ, lưng còng, tay cầm gậy lần từng bước khó nhọc trên đoạn đường đi. Ra đến cửa Nam, Thái tử chứng kiến 1 người nằm trên vệ cỏ, khóc than rên rỉ vô cùng đau đớn. Sang tới cửa Tây, Ngài lại trông thấy những chiếc xác chết nằm ngay giữa đường, ruồi muỗi bu bám, thịt lở loét thối rữa nhìn rất ghê tởm.
Đến cửa Bắc, Ngài gặp 1 vị tu sĩ tướng mạo điềm tĩnh, thản nhiên trông rất trang nghiêm như người vô sự đi ngang qua đường. Lúc này, Ngài mới nảy sinh cảm mến, vội vã chào mừng và hỏi han về lợi ích của sự tu hành. Khi được vị Sa Môn cho biết, ông tu hành là để quyết tâm từ bỏ ràng buộc của cõi đời người, cầu mong bớt khổ và sớm trở thành chánh giác để phổ độ chúng sinh cũng như giải thoát chính bản thân mình. Từ đó, Thái tử vui mừng khôn xiết, Ngài quyết tâm với hoài bão tu hành của mình để cứu giúp chúng sinh.
Xuất gia tìm đạo
Sau khi trình bày ý nguyện với Vua cha về việc xuất gia theo đạo, nhưng đã bị từ chối. Thái tử bèn hạ quyết tâm bằng cách bỏ trốn trong lúc mọi người đã ngủ rất say. Ban đầu, Thái tử đến tu tập với các vị tu khổ hạnh, nhưng thấy những người này sống quá kham khổ phải dãi nắng dầm sương và nhịn ăn, uống. Cảm thấy đây là cách tu hành thân và không có hiệu quả. Thái tử đã khuyên họ từ bỏ, nhưng không có ích, Ngài bèn tìm tới nơi khác để tu hành.
Trong thời gian dài, Thái tử đã đi rất nhiều nơi, hễ thấy ở đâu có vị tu hành đắc đạo là Ngài tìm tới học hỏi. Nhưng vẫn không thể giải thoát cho con người thoát khổ. Từ đó, Thái tử chọn cách tu tập một mình, ngày đêm nghiền ngẫm đến đạo để giải thoát tới nỗi quên ăn, bỏ ngủ khiến cho thân thể ngày càng tiều tụy, suy sụp và ngất đi. May mà lúc ấy có người chăn bò đến đổ sữa vào miệng, Ngài mới tỉnh dậy.
Với sự gian truân trên con đường tu đạo, Ngài nhận ra rằng nếu muốn có kết quả tốt trước hết thân thể cần được khỏe mạnh. Chỉ có đủ sức khỏe mới có thể đi tiếp trên con đường tu đạo, đem đến ánh sáng của sự Giác ngộ. Sau đó, Ngài ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ đề và thề rằng, nếu không thành đạo cho dù thịt nát xương tan cũng không rời bỏ nơi này.
Thành đạo
Kết quả trở thành đạo đúng với ý nguyện của Ngài
Thành đạo là kết quả đạt được trong cuộc đời của Đức Phật. Trong 49 ngày đêm ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ Đề. Thái tử đã phải chiến đấu với sự phiền não của nội tâm như: tham, sân, si, nghi, mạn, hận….và cả giặc Thiên Ma do Ma Vương Ba Tuần quấy nhiễu. Sau khi chiến thắng giặc ngoại cảnh và nội tâm.
Lúc này, tâm trí Thái tử được khai thông và chứng được quả “ Túc Mệnh Minh” thấy rõ tất cả quá khứ của mình trong tam giới. Tiếp đến, vào lúc nửa đêm ngày thứ 49 Thái tử lại chứng quả được “ Thiên Nhãn Minh”, thấy rõ tất cả bản thể vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo. Cho tới canh 4, Thái tử chứng được quả “Lậu tận Minh”, nắm rõ nguồn gốc của sự đau khổ, tìm ra giải pháp dứt trừ để giải thoát khỏi sanh tử, luân hồi.
Từ đó trở đi Ngài được đạo vô thượng, trở thành bậc “Chánh Đẳng, Chánh Giác” lấy hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngày thành đạo của Ngài được tính vào ngày 8/12 AL, lúc ấy Thái tử vừa tròn tuổi 30.
Kết luận
Cuộc đời của Đức Phật từ lúc sơ sinh cho đến khi thành đạo vẫn luôn là bài học mang nhiều ý nghĩa quý báu đối với chúng ta. Tuy nhiên, điều ý nghĩa nhất vẫn là phát tâm Bồ Đề rộng lớn. Luôn nguyện vì đời, vì tất cả chúng sinh mà tu hành chứ đừng vì lợi ích bản thân. Khi phát tâm cần phải mang hướng tích cực để quá trình tu hành có hiệu quả cao. Một khi đã bước vào con đường tu đạo, cho dù có gặp nguy nan, mạo hiểm hay khó khăn thế nào cũng cần kiên trì giống như Đức Phật trong lúc ngồi thiền định ở gốc Bồ Đề. Nếu làm được như Ngài, chúng ta mới xứng đáng là “chân chánh Phật tử”.